Xây dựng đường sắt đô thị tại Hà Nội
Ngày đăng 26/09/2017 | 2:10 PM  | View count: 1349

Theo phê duyệt Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, hệ thống đường sắt đô thị sẽ bao gồm 8 tuyến chính đóng vai trò quan trọng trong hệ thống vận tải hành khách công cộng tốc độ cao, khối lượng lớn với các ưu thế lớn như gắn kết giao thông liên vùng, giảm ùn tắc giao thông...

Vẫn còn đó những câu hỏi: đường sắt đô thị có là giải pháp cứu cánh hiện hữu cho nâng cấp cải tạo đô thị trong tương lai? Và việc xây dựng hệ thống đường sắt đô thị sẽ có những tác động như thế nào với không gian tái cấu trúc đô thị là vấn đề đặt ra với nhiều chuyên gia hiện nay. 

Đi tìm nét bản sắc cho kiến trúc đường sắt trên cao 

Hà Nội được biết đến như một đô thị có bề dày phát triển. Ở mỗi giai đoạn phát triển, Hà Nội lại mang những đặc điểm riêng về kiến trúc, cảnh quan, quy hoạch đô thị. Nằm trong tổng thể chung, hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội được coi là một đặc điểm riêng với bản sắc riêng cần được phát huy và kế thừa. 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ảnh trên: Bản đồ quy hoạch kết nối hệ thống đường sắt quốc gia - Vùng thủ đô Hà Nội 

Lịch sử phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội được đánh dấu lần đầu với việc khánh thành tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng và Hà Nội - Hải Phòng năm 1902, Hà Nội - Lào Cai năm 1906, tuyến đường sắt Bắc Nam năm 1936. Hệ thống ga đầu mối hạn chế về số lượng chỉ có ga Hàng Cỏ, Gia Lâm và một vài ga nhỏ khác. Về cơ bản đây đều là các tuyến đường sắt liên tỉnh giúp vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh về Hà Nội hoặc tới các điểm giao thông phục vụ khai thác tài nguyên thuộc địa của chính quyền thực dân để thúc đẩy Hà Nội đóng vai trò là đầu mối trung chuyển của đường sắt đô thị quốc gia. Tại thời điểm này, đường sắt trong tổng thể Quy hoạch đô thị nằm ở phần rìa, không có nhiều đóng góp cho việc vận chuyển hành khách và giao thông nội đô. Quá trình mở rộng đô thị, đô thị hóa mạnh mẽ thời gian gần đây, đặc biệt là từ những năm 2000 đến nay đã làm biến đổi mạnh quy mô và cấu trúc đô thị. Hệ thống đường sắt thời Pháp thuộc trước kia vẫn chỉ đóng vai trò kết nối vận chuyển liên tỉnh giờ cắt xuyên tâm đô thị, chia cắt đô thị thành 2 phần Đông - Tây, không những không đóng góp cho giao thông nội đô mà còn gây cản trở mạnh cho giao thông đô thị. 

Qua từng thời kỳ, Hà Nội và ngành GTVT đã có nhiều dự án nghiên cứu phát triển nâng cấp hệ thống giao thông đô thị như Dự án nghiên cứu phát triển 5 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) chính và 1 tuyến dự phòng của Bộ GTVT, các nghiên cứu phối hợp về phát triển đường sắt đô thị giữa thành phố Hà Nội và JICA Nhật Bản hay các quy hoạch ĐSĐT lồng ghép trong các lần điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô. 

Quy hoạch chung Hà Nội đến 2030 tầm nhìn 2050 mang lại cơ hội đổi mới căn bản hệ thống giao thông đường sắt đô thị với 8 tuyến đường sắt nội đô tốc độ cao, hệ thống các ga đầu mối, ga trung chuyển có thể kết nối thuận tiện với nhau cũng như với hệ thống đường sắt quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn đó những vấn đề chuyên môn cần làm rõ để có được những lợi ích cao nhất cho sự phát triển chung của Hà Nội. 

Trong quá trình triển khai quy hoạch xây dựng tuyến đường sắt trên cao, một vấn đề đặt ra được nhiều chuyên gia quan tâm đó là xây dựng bộ mặt không gian cảnh quan kiến trúc cho các tuyến đường sắt đảm bảo các quy chuẩn của ngành đường sắt cũng như tạo ra bộ mặt mới không gian cảnh quan cho thủ đô. Khi xem xét các phương án kiến trúc đường sắt đô thị do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan mà còn tồn tại những quan điểm trái chiều bởi đây là công trình dân dụng mang tính chất phục vụ công cộng, ở các nước có tuyến đường sắt phát triển, người ta quan tâm nhiều đến công năng và giá trị sử dụng. 

Phương án thiết kế ga đường sắt trên cao C1 - Nam Thăng Long và C2 - Ngoại Giao Đoàn, Hà Nội

Phương án thiết kế ga đường sắt trên cao C1 - Nam Thăng Long và C2 - Ngoại Giao Đoàn, Hà Nội 

Trong quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị các khía cạnh là vật lý kiến trúc và kiến trúc nhà ga trên toàn tuyến được mổ xẻ nhiều nhất. Vật lý kiến trúc bao gồm đảm bảo các yếu tố vi khí hậu sử dụng cho công trình như là thông gió, chiếu sáng, điều hòa không khí tận dụng ánh sáng tự nhiên để tiết kiệm điện năng một cách tối đa và khái niệm kiến trúc xanh. Về kiến trúc nhà ga, hiện có nhiều trường phái trái ngược gồm sử dụng chất liệu: kiến trúc truyền thống mang đặc thù Việt Nam, kiến trúc hiện đại và kết hợp giữa hiện đại - truyền thống. Quan điểm có nhiều và tương đối rộng nên đơn vị tư vấn gặp rất nhiều khó khăn bao gồm cả những kiến trúc sư kỳ cựu như giáo sư Hara - tác giả chính của thiết kế nhà ga Kyoto nổi tiếng có phương án thiết kế trên những tuyến đường sắt số 2 rất khả thi nhưng vẫn gây tranh luận từ nhiều phía. Các gợi ý phản biện cũng rất khác nhau cho rằng nên lấy ý tưởng mô phỏng kiến trúc nhà sàn hay khai thác hình ảnh cầu Long Biên. Nhưng bản thân chính dư luận cũng lại cho rằng nếu nhắc lại một lần nữa ở kiến trúc ga Hà Nội sẽ làm giảm đi giá trị nguyên thủy của cây cầu trăm tuổi của thủ đô. 

Trong vận tải công cộng tạo ra sự nhận biết tốt nhất cho người dân, cũng là một trong những tiêu chí quan trọng tạo nên hiệu quả sử dụng vận chuyển hành khách công cộng nội đô. Thiết kế tương đồng hay khác biệt về kiến trúc giữa các điểm ga đầu mối trên cùng một tuyến cũng là vấn đề “nóng”. Mỗi hướng làm đều có một ưu thế như giống nhau tạo sự đồng bộ chung nhưng thiết kế khác đi để tránh sự đơn điệu phù hợp với từng cảnh quan từng khu vực.

Về công năng sử dụng (sự giống và khác nhau về công năng giữa các ga cùng loại trên cùng tuyến, các chức năng phụ trợ như thương mại, dịch vụ cho mỗi điểm dừng đỗ...) cũng là những vấn đề nóng. Xét về thực tế cần chọn ra các tiêu chí cơ bản chung, còn lại nên để công năng các ga đường sắt đô thị có thể phù hợp theo thực tế, phù hợp với cảnh quan đô thị, nhu cầu, mật độ sử dụng của cư dân, khả năng tài chính đầu tư. 

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, ga trên cao làm theo cách hiện đại và chủ yếu chú ý đến công năng, kiến trúc không phải là vấn đề quan tâm hàng đầu. Về mặt kiến trúc bên trong nội thất ga ngầm thì ở các nước trên thế giới, công năng giống nhau, thiết kế cơ bản giống nhau nhưng được lồng ghép các yếu tố văn hóa bản địa. Những nước có hệ thống đường sắt phát triển, nhiều tuyến ga đường sắt được chọn theo vật liệu màu sắc. Ví dụ như trên một tuyến ga, tuyến thứ nhất màu xanh là màu giữ chủ đạo, tuyến thứ 2 màu hồng là màu chủ đạo... Ở Dubai, người ta còn đặt các tuyến đường sắt như ga đất, ga nước, ga cây, ga đá, mỗi chủ đề có một cách bài trí, trang trí nội thất khác nhau. 

Quy hoạch công trình và cảnh quan đề xuất cho ga Hà Nội - Dự án phát triển UMRL sắn kết với phát triển đô thị Hà Nội 

Hiện nay, Hà Nội đang quy hoạch 8 tuyến ĐSĐT, trong đó 5 tuyến đang trong giai đoạn nghiên cứu, 3 tuyến đang được triển khai xây dựng. Mỗi tuyến sẽ có một nhà thầu, một đơn vị tư vấn riêng. Ở góc độ tác giả có những quan ngại, đó chính là sẽ không tìm ra được những điểm thống nhất giữa các tuyến đường sắt với nhau. Ví dụ như: Tuyến 3 có khả năng chịu ảnh hưởng kiến trúc Pháp bởi do đơn vị tư vấn Pháp thực hiện, tuyến 2 ít nhiều ảnh hưởng của Nhật và tuyến Cát Linh – Hà Đông chịu ảnh hưởng phong cách Trung Quốc. Như vậy ít nhất trong hệ thống ĐSĐT Hà Nội có từ 4 - 5 đơn vị khác nhau tham gia làm công tác tư vấn thì sẽ có từng ấy màu sắc bị ảnh hưởng. Xét về từng tuyến riêng biệt của từng đơn vị đều đạt được các tiêu chí chung nhưng về tổng thể thì chưa thể một sớm một chiều có ngay kết luận được. Trong bối cảnh đó, những nguyên tắc chính cần đảm bảo trong quá trình thiết kế quy hoạch ĐSĐT bao gồm: 

- Phục vụ phát huy hết hiệu quả công năng của công trình. 
- Đảm bảo yếu tố vật lý kiến trúc (khí hậu, thông gió, chiếu sáng...). Ở Việt Nam các ga trên phải giải quyết tốt đáp ứng yêu cầu mát trong mùa hè, ấm về mùa đông.
- Hài hòa với cảnh quan xung quanh. Ví dụ như khu vực đô thị mới, ga trên cao ở chỗ này giao cắt tạo điểm nhấn thì thiết kế hoành tráng hơn, vượt ra ngoài công năng của nhà ga, nếu không cần thiết thì nên đơn giản lại.

Trong xu hướng thiết kế kiến trúc đường sắt hiện nay, yếu tố dân tộc cần được xem xét trong chừng mực nhất định. Không nên quá khiên cưỡng, duy ý chí trong thiết kế quy hoạch ĐSĐT. Yếu tố văn hóa dân tộc phải mang hơi hướng của không gian chung. Các điểm ga ở khu đô thị mới sẽ là không hợp lý nếu chúng ta lại đưa yếu tố văn hóa truyền thống vào và ngược lại nếu ga trong các khu phố cổ, phố cũ thì yếu tố văn hóa, bản sắc kiến trúc cần được xem trọng nhiều hơn. Điều này cần nhiều thời gian nghiên cứu, kiểm chứng và phụ thuộc rất nhiều ý tưởng của người thiết kế. 
 

Tái cấu trúc đô thị với đường sắt trên cao 

Đường sắt nằm trong đô thị nên bản thân kiến trúc ngược trở lại chính hệ thống đường sắt cũng tác động tới đô thị với cả những hiệu ứng tốt và tiêu cực. Không gian cảnh quan xung quanh ga là quần thể tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia di chuyển trên ga tàu. Khi xây dựng các tuyến ga đường sắt trên cao hay tàu điện ngầm nên chú ý đến các tiện ích xung quanh ga như: Nên phát triển dịch vụ xung quanh như có các trung tâm mua sắm, kết nối các hệ thống siêu thị hoặc không gian xung quanh đường sắt kết nối xe bus hay xây dựng các khu vực để xe đạp hoặc xe máy. Ở Việt Nam, sự phát triển hệ thống giao thông chung còn nhiều hạn chế, nhà ở ngõ ngách nhiều phương tiện vận tải công cộng chưa thực sự thuận tiện đầy đủ, nên khi đặt ra bài toán phát triển hệ thống ĐSĐT thì phải nghiên cứu phát triển không gian tổng thể xung quanh ga để tạo sự kết nối với nhau, đảm bảo 2 yếu tố là giao thông và các tiện ích đi kèm nhằm tăng hiệu quả giao thông công cộng. 

Phương án đề xuất thiết kế ga Hàng Cỏ, tư vấn CH Pháp 2010 

Phát triển đường sắt đô thị cũng là tạo ra cơ hội để định dạng và tái cấu trúc đô thị cho tương lai một khi giao thông phát triển chắc chắn các hạ tầng dịch vụ và công cộng, dân sinh sẽ phát triển theo. Không gian đô thị cần được tái cấu trúc lại theo sự phát triển của đường sắt đô thị làm sao cho hài hòa, các dịch vụ phải liên thông với nhau, không cần di chuyển nhiều, các dịch vụ mua bán tổng hợp được diễn ra trong hành lang đi vào ga, nó như một đô thị khép kín, tăng khả năng sử dụng hiệu quả và hấp dẫn người dân. Tùy vào không gian cảnh quan chung của từng tuyến mà có sự quy hoạch tái cấu trúc cho phù hợp. 

Vừa qua Nhật Bản đã hỗ trợ Hà Nội nghiên cứu dự án phát triển đô thị đường sắt kết hợp đường sắt đô thị. Dự án đã thực hiện được cách đây 2 năm và giai đoạn 1 đã hoàn thành, những ý tưởng chính quy hoạch không gian, sử dụng đất, cảnh quan đô thị đã được phác thảo cho từng ga.

Về cơ bản không gian tại mỗi điểm ga được chia 3 khu vực: không gian trong ga phục vụ nhu cầu thiết yếu, khu vực thứ 2 ở bán kính trong phạm vi rộng hơn phục vụ không gian kết nối và một số dịch vụ giao thông. Xa hơn là trung tâm thương mại phục vụ nhu yếu phẩm cuộc sống hàng ngày.

Hiện nay, Hà Nội đang trong quá trình thực thí điểm quy hoạch một số ga. Ga Hàng Cỏ đặt vấn đề tuyến số 1 đường sắt Quốc gia sẽ được chuyển thành đường sắt đô thị và đưa lên cao, Hà Nội sẽ có cơ hội thực hiện ý tưởng kéo dài phố Trần Hưng Đạo thông sang Quận Đống Đa tạo nên tuyến giao thông mới, xóa bỏ mô hình đường sắt xuyên tâm chia cắt đô thị thành 2 phần Đông - Tây, tái cấu trúc định hình các giải pháp ưu việt cho hệ thống giao thông đô thị kéo theo sự biến đổi có chọn lọc của không gian đô thị.

Với khu vực Hồ Hoàn Kiếm, theo ý kiến của nhiều chuyên gia là cần bảo tồn không gian mở hiện hữu, hạn chế tối đa xây dựng thêm công trình. Dự án HAIMUD dựa trên một chiến lược dài phát triển không gian đô thị kết hợp đường sắt là ý tưởng đề xuất nhằm mục đích tạo thành quảng trường mở, quảng trường Hồ Gươm kết hợp ga đầu mối ngầm bên dưới C9. Không gian mới để dành phục vụ cho các sự kiện văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, các ngày bình thường là những quán cafe nhỏ ven đường. Quy hoạch này trong tương lai sẽ kết nối các phương tiện giao thông khác tạo nên không gian quảng trường văn hóa, xã hội chính trị cho Hồ Gươm. 

Cơ hội tái cấu trúc cho đô thị Hà Nội cùng với sự đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị là rất lớn, cần coi là một cách tái cấu trúc "chủ động" của người dân và chính quyền đô thị trong đó làm sao có thể tận dụng được ưu thế biến đổi không gian theo hướng tích cực hướng đến các giá trị văn minh hiện đại, loại bỏ được sự manh mún, thiếu khớp nối đồng bộ, tầm nhìn ngắn hạn.

 

TS Lưu Xuân Hùng - P. Trưởng Ban quản lý đường sắt Hà Nội


Theo Tạp chí Kiến trúc Việt Nam