Giao thông Hà Nội sau khi thủ đô được mở rộng vào năm 2008
Publish date 03/04/2017 | 2:00 PM  | View count: 1164

Kể từ khi được mở rộng vào năm 2008, Hà Nội đã mang dáng dấp hoàn toàn khác. Hiện đại, trẻ trung, năng động. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển kinh tế và đời sống xã hội được cải thiện, Hà Nội cũng mắc phải những vấn nạn chung của các đại đô thị.

Rộng hơn 3.324km2, Hà Nội là một trong số 17 thành phố lớn và đông dân nhất thế giới với 7,2 triệu dân, mật độ dân số trung bình là 2.171 người/km2 (Nguồn: Tổng cục thống kê Việt Nam, 2015). Ấy vậy mà tốc độ phát triển của hạ tầng kỹ thuật vẫn còn quá chậm so với tốc độ đô thị hóa, dẫn tới những vấn đề như ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Sáng sáng, tiếng còi xe huyên náo, khói bụi từ ống xả của hàng triệu xe máy và ô tô là lời chào mà thành phố dành cho bạn khi ra đường. Cho dù bạn là ai, dùng phương tiện gì, xe máy, ô tô hay xe buýt, hàng ngày bạn vẫn phải mất rất nhiều thời gian cho việc đi lại. Nhất là lúc giờ cao điểm, những ngày lễ, hay trời mưa, việc di chuyển càng vất vả. Bạn có thể kẹt cứng ở một điểm nào đó suốt 1h đồng hồ.

Để khắc phục tình trạng này, chính quyền thành phố Hà Nội đã có nhiều quy hoạch và giải pháp về giao thông công cộng, nhằm mang tới cho người dân điều kiện đi lại tốt hơn. Đặc biệt, năm 2016 – 2017 là giai đoạn đánh dấu bước chuyển mình của giao thông công cộng Hà Nội như:
1.Mạng lưới xe buýt được điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân. Giao thông được phân luồng lại, 17 tuyến buýt được hợp lý hóa lộ trình, trên 100 biển báo điểm dừng được cắm mới và chi chuyển. Đặc biệt, 2 tuyến xe buýt mới 84, 85 kết nối các khu đô thị xa trung tâm như Mỹ Đình, Linh Đàm, Nghĩa Đô, Văn Phú với trung tâm thành phố có những điểm ưu việt như wifi miễn phí, hệ thống GPRS và hệ thống âm thanh kết nối tự động trên xe để thông báo điểm dừng sắp tới và các thông tin dịch vụ kết nối với tuyến.

2. Cuối năm 2016, tuyến BRT đầu tiên, đi từ Giảng Võ đến bến xe Yên Nghĩa nối đô thị trung tâm với đô thị ngoại ô Hà Đông ra đời.

3. Mạng lưới đường sắt đô thị (metro) đang được ưu tiên đầu tư xây dựng. Quý I/2018, tuyến metro đầu tiên của Hà Nội, tuyến 2A Cát Linh – Hà Đông, dự kiến sẽ chạy thử. Tiếp đó, tuyến metro số 3 đoạn Nhổn – Ga Hà Nội dự kiến sẽ được đưa vào vận hành khai thác vào năm 2021.

Như vậy là chẳng mấy chốc, bạn sẽ thêm những lựa chọn mới thoải mái và tiện lợi khi đi từ ngoại ô vào trung tâm thành phố, không còn những giây phút căng thẳng trong hàng dài xe cộ huyên náo nữa.