Đường sắt đô thị: Bộ khung định hình lại giao thông đô thị Hà Nội
Ngày đăng 03/12/2021 | 3:00 PM  | View count: 935

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2050 sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT), đảm nhận 35 - 40% thị phần vận tải hành khách công cộng, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Để đạt được mục tiêu này, TP cần có những nỗ lực vượt bậc, cũng như sự ủng hộ tối đa của Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành liên quan và cả sự chung tay, góp sức của Nhân dân Thủ đô.

PHÓ TRƯỞNG BAN QUẢN LÝ ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ HÀ NỘI LÊ TRUNG HIẾU

Bài 1: Toàn cảnh 10 tuyến đường sắt đô thị

Mạng lưới vận tải công cộng của Hà Nội đang phụ thuộc chủ yếu vào xe buýt, taxi; hệ thống xương sống định hình toàn bộ vận tải công cộng là ĐSĐT phát triển quá chậm. Trong số 10 tuyến ĐSĐT đã được quy hoạch, mới chỉ có một tuyến được đưa vào vận hành, một tuyến đang thi công, số còn lại đang dừng ở bước chuẩn bị đầu tư và nghiên cứu tiền khả thi.
4 tuyến trọng tâm

Có thể tạm phân loại 10 tuyến ĐSĐT của Hà Nội thành hai nhóm. Nhóm 1 là “mạng lưới cam kết” với 4 tuyến trọng tâm, đi xuyên tâm nội đô gồm tuyến số 1: Ngọc Hồi - Yên Viên - Như Quỳnh; số 2: Nội Bài - Thượng Đình - Bưởi; số 2A: Cát Linh - Hà Đông - Xuân Mai; số 3: Trôi - Nhổn - Yên Sở. 4 tuyến này được xác định sẽ sử dụng nguồn vốn đầu tư công bằng ngân sách Nhà nước, là hạt nhân để xây dựng các tuyến còn lại.

Tuyến ĐSĐT số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội

Nhóm thứ hai gồm 6 tuyến kéo dài đến khu vực ngoại thành, có thể kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa, vừa hỗ trợ giảm thiểu ùn tắc giao thông vừa có tác dụng kết nối, phát triển các đô thị vệ tinh, kéo giãn dân cư khu vực nội đô trung tâm. Đó là các tuyến: Số 4: Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà; số 5: Văn Cao - Hòa Lạc; số 6: Nội Bài - Ngọc Hồi; số 7: Hà Đông - Mê Linh; số 8: Sơn Đồng - Mai Dịch - Dương Xá; và tuyến Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai.

 

10 tuyến ĐSĐT của Hà Nội có tổng chiều dài 417,8km. Trong đó, 342,2km cầu cạn, cầu cạn kết hợp đi bằng và 75,6km đi ngầm. Khi hoàn thành toàn mạng lưới ĐSĐT tối đa có thể vận chuyển 3,2 triệu lượt hành khách/ngày, đảm nhận 35 - 40% thị phần vận tải công cộng của đô thị trung tâm và 20% của đô thị ngoại ô. “Mạng lưới cam kết” gồm 4 tuyến: Tuyến 1, 2, 2A và 3 với tổng chiều dài 94km, dự kiến ban đầu sẽ được hoàn thành vào năm 2030, đạt 1,8 triệu lượt khách/ngày, đảm nhận 25 - 30% thị phần vận tải công cộng của đô thị trung tâm và 15% của đô thị ngoại ô.

 

Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có tuyến ĐSĐT số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông được đưa vào vận hành, khai thác sau cả chục năm xây dựng. Tuyến số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đang phấn đấu vận hành trước đoạn trên cao vào năm 2022, đoạn ngầm vào năm 2025. Tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo có tổng chiều dài tuyến 11,5km (trong đó 8,5km đường đi ngầm, 3km đi trên cao), qua địa bàn các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm.

 

Dự án được UBND TP Hà Nội phê duyệt năm 2008 với tổng mức đầu tư 19.555 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản. Hiện nay, dự án đang được điều chỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và công tác giải phóng mặt bằng. Theo kế hoạch, tuyến này được thực hiện từ năm 2009 - 2027 và 5 năm đào tạo hỗ trợ vận hành, bảo dưỡng. Tuy nhiên đến nay vẫn đang thực hiện thủ tục thẩm định, phê duyệt. Đặc biệt, quy hoạch tổng mặt bằng ga C9 Hồ Gươm vẫn đang chờ điều chỉnh.

 

Tuyến số 1, đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi có chiều dài 28,7km, sử dụng chung giữa đường sắt quốc gia và ĐSĐT với tổng mức đầu tư tính toán từ năm 2002 là 9.197 tỷ đồng. Bộ GTVT đang phối hợp với UBND TP Hà Nội, các bộ: KH&ĐT, Tài chính, Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch phát triển đường sắt khu vực TP Hà Nội. Theo đó, tuyến số 1, đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi sẽ chỉ sử dụng cho ĐSĐT và Bộ GTVT đề nghị chuyển giao dự án cho Hà Nội thực hiện.

 

Đắt đỏ và khó khăn

 

Việc triển khai hoàn thiện hệ thống 10 tuyến ĐSĐT của Hà Nội là vô cùng khó khăn. Trong khi 4 tuyến ĐSĐT trong nhóm “mạng lưới cam kết” còn chưa hình thành đầy đủ, quá trình chuẩn bị đầu tư cho 6 tuyến còn lại cũng gặp không ít khó khăn.

 

Hiện mới chỉ có tuyến số 5 Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc được nghiên cứu cụ thể với tổng chiều dài 38,43km, bao gồm 21 ga (6 ga ngầm, 14 ga mặt đất và 1 ga trên cao). Tổng vốn đầu tư dự kiến vào khoảng 65.400 tỷ đồng, sử dụng vốn đầu tư công. Tháng 9/2020, UBND TP Hà Nội đã có Tờ trình lên Thủ tướng Chính phủ thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này, để trình Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư.

 

Còn tuyến số 8, đoạn Sơn Đồng - Mai Dịch - Vành đai 3 - Lĩnh Nam - Dương Xá có chiều dài 37km; khoảng 12km đi trên cao và 17km đi ngầm với 26 nhà ga và 2 Depot. Tổng mức đầu tư dự kiến 102.000 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn từ năm 2025 - 2032. Tuyến này đã lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đang tiếp tục công tác chuẩn bị đầu tư. Các tuyến còn lại vẫn chưa tiến thêm được bước nào từ Quy hoạch đến thực tế.

 

Các dự án ĐSĐT của Hà Nội đều có quy mô lớn, công nghệ kỹ thuật mới, phức tạp, tổng mức đầu tư lớn (trên 1 tỷ USD), thuộc nhóm Dự án quan trọng quốc gia. Ngoại trừ tuyến ĐSĐT số 5 đã được xác định sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, các tuyến còn lại đều phải tìm kiếm nguồn vốn vay ODA. Do đó các bước triển khai khá phức tạp, kéo dài, gặp không ít khó khăn về thủ tục pháp lý cũng như nguồn vốn.

 

Nghị Quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đảm nhận của các loại hình vận tải công cộng trên địa bàn TP sẽ đạt từ 30 - 35%; đồng thời thúc đẩy phát triển đồng bộ, hiện đại và mở rộng quy mô hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị cần: “Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, ĐSĐT, các công trình ngầm gắn với khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng… ưu tiên đầu tư đưa vào vận hành 2 - 3 tuyến ĐSĐT vận tải hành khách khối lượng lớn, tốc độ cao”.

 

Để cụ thể hóa quyết tâm xây dựng mạng lưới vận tải công cộng văn minh, hiện đại, với ĐSĐT là hạt nhân trung tâm, giữ vai trò xương sống, định hình toàn bộ hệ thống, Hà Nội còn phải vượt qua rất nhiều khó khăn thách thức, thậm chí khó đạt được mục tiêu tiến độ như đã đề ra.

Hà Nội đang nỗ lực hết sức, tập trung mọi nguồn lực về chính sách, kinh tế, nhân sự cho việc xây dựng ĐSĐT, vốn có vai trò vô cùng quan trọng đối với mạng lưới giao thông của Thủ đô. Theo thống kê, Hà Nội đã đạt mốc 8 triệu dân, và mới có một tuyến ĐSĐT đi vào hoạt động. Trong khi đó, kinh nghiệm phát triển trên thế giới cho thấy, mỗi đô thị từ 2 triệu dân trở lên đã cần có ĐSĐT để đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại cho Nhân dân, giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường do phương tiện cá nhân gia tăng mạnh mẽ.

 

Theo Kinhtedothi