Khai mạc "Hội thảo khoa học về phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh”
Ngày đăng 17/01/2024 | 8:15 AM  | View count: 30

Khai mạc "Hội thảo khoa học về phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh”

Sáng ngày 17/01/2024, Ông Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã chính thức khai mạc “Hội thảo phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh”.

 

Tham dự Hội thảo có: Bà Nguyễn Phương Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội; Ông Đỗ Đức Hồng Hà - Phó Chủ nhiệm, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội; Ông Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

 

Dự Hội thảo còn có các đồng chí: Ông Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố; Ông Lê Hồng Sơn - Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố; Ông Dương Đức Tuấn - Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND Thành phố; Ông Phạm Quý Tiên – Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố; Ông Bùi Xuân Cường – Thành Ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh… cùng lãnh đạo các cơ quan Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, vùng Thủ đô, lãnh đạo các Ban Đảng Thành ủy, Hội đồng nhân dân Thành phố, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội; Lãnh đạo các sở, ban, ngành Thành phố Hà Nội; Đại diện các trường Đại học, các chuyên gia, diễn giả, nhà khoa học.

 

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Ông Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nhấn mạnh: “Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai đô thị đặc biệt, 02 đầu tàu kinh tế của cả nước, giữ vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và an ninh quốc phòng, cũng là 02 đô thị có diện tích và dân số lớn nhất cả nước. Cùng với xu thế phát triển, giao thông công cộng ngày càng có vai trò quan trọng, nhất là đối với các đô thị lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; Trong đó, hệ thống đường sắt đô thị được coi là trục “xương sống” của mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông. Việc đầu tư sớm, vận hành hiệu quả hệ thống đường sắt đô thị sẽ nâng cao tỷ trọng vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, từ đó đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc và tai nạn giao thông,...

 

Thời gian vừa qua, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã và đang dành nguồn lực để đầu tư xây dựng các dự án đường sắt đô thị. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu các giải pháp, hoàn thiện cơ chế, chính sách; tìm hiểu, học tập những kinh nghiệm, phương thức mới, “đột phá” nhằm triển khai đồng bộ và sớm hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị, đáp ứng sự nhu cầu và mong mỏi của người dân hai thành phố.”

 

Tại Hội thảo, Ông Bùi Xuân Cường – Thành Ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh phát biểu: “Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều nét tương đồng cả trong kết quả thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội và những thách thức gặp phải trong quá trình phát triển, nên việc kết nối, hợp tác, cùng nhau thực hiện các nhiệm vụ mà nhà nước và nhân dân giao phó là rất quan trọng và cần thiết. Với một khối lượng công việc, nguồn lực, sự ảnh hưởng của tác động rất lớn để việc xây dựng triển khia, hoàn thiện hệ thống ĐSĐT này, 02 TP sẽ rút kinh nghiệm khắc phục vướng mắc, hạn chế khi triển khai dự án Metro 1, Thành phố Hà Nội và Thành phố HCM cùng nhau sát cánh đề xuất TW cho phép hai thành phố được thực hiện các cơ chế đặc thù cho việc phát triển đường sắt đô thị nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung.”

 

Sáng nay, sau phần khai mạc, Hội thảo đã diễn ra chuyên đề “Tổng quan phát triển đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh theo mô hình TOD” gồm 02 phần: Tổng quan về TOD và Quy hoạch TOD, với 22 bài tham luận của các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) được định nghĩa là một mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm, tăng khả năng, sự thuận tiện cho người dân tiếp cận các điểm trung chuyển, các ga đường sắt đô thị, qua đó giảm thiểu nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng và tạo ra các khu đô thị bền vững, thân thiện với môi trường.

 

Mô hình phát triển đô thị theo định hướng TOD muốn thành công đòi hỏi cần có nghiên cứu bài bản và có một sự chuẩn bị cẩn thận, bao gồm các vấn đề quy hoạch, nền tảng pháp lý và sự hợp tác giữa các sở, ban, ngành để có thể nhanh chóng đổi mới hệ thống pháp luật tương ứng, đầy đủ, hữu hiệu.

 

Một số hình ảnh tại sự kiện: 

 

TT-MRB