Hà Nội chuẩn bị khởi công thêm 4 tuyến đường sắt đô thị
Publish date 05/08/2017 | 9:12 AM  | View count: 2520

UBND thành phố Hà Nội vừa thống nhất trình Chính phủ và các bộ ngành cơ chế thực hiện 10 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT). Với giai đoạn từ nay đến năm 2020, cùng với 2 dự án đang triển khai, Hà Nội sẽ ưu tiên khởi công thêm 4 dự án mới với kinh phí trên 4 tỷ USD

UBND thành phố Hà Nội vừa thống nhất trình Chính phủ và các bộ ngành cơ chế thực hiện 10 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT). Với giai đoạn từ nay đến năm 2020, cùng với 2 dự án đang triển khai, Hà Nội sẽ ưu tiên khởi công thêm 4 dự án mới với kinh phí trên 4 tỷ USD

Theo Quy hoạch GTVT Hà Nội và Đề án quản lý phương tiện cá nhân vừa được HĐND thành phố thông qua, từ nay đến năm 2030, hệ thống VTCC Hà Nội sẽ được đầu tư phát triển với các loại hình đa dạng, gồm xe buýt, BRT, ĐSĐT, tàu điện một ray (Monorail)… Tuy nhiên hai loại hình là xa buýt, ĐSĐT vẫn được thành phố xác định là chủ công nên cùng với phát triển hạ tầng, thành phố cũng ưu tiên mở rộng mạng lưới xe buýt, đầu tư thêm các dự án ĐSĐT.

Theo đó, để đáp ứng từ 20 đến 25% nhu cầu đi lại của nhân dân vào năm 2020 và từ 35 đến 40% vào năm 2030, thành phố Hà Nội đã đưa ra nhiều phương án, giải pháp để phát triển VTCC. Với loại hình ĐSĐT, được UBND thành phố Hà Nội đánh giá có sức chuyên chở ngang bằng với xe buýt, do vậy trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, thành phố Hà Nội đã lên phương án hoàn thiện, xây dựng 10 tuyến ĐSĐT.

“Với sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của Tổng Cty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải - TEDI, hiện quy hoạch và lộ trình 10 tuyến ĐSĐT trên địa bàn Hà Nội đã được đưa ra. Bước tiếp theo thành phố đang phối hợp với các bộ ngành có liên quan để trình Chính phủ cơ chế huy động vốn cho từng dự án để triển khai”, đại diện UBND thành phố Hà Nội thông tin.

Với giai đoạn từ nay đến năm 2020, ngoài 2 dự án đang triển khai là Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – ga Hà Nội, trong hơn 2 năm tới UBND thành phố sẽ hoàn thành các thủ tục đầu tư để khởi công thêm 4 dự án ĐSĐT mới. Hiện 4 dự án này đã được các sở ngành hoàn thiện danh mục đầu tư và UBND thành phố đã phê duyệt công tác chuẩn bị đầu tư.

Theo dự toán ban đầu, 4 dự án trên có tổng mức đầu tư trên 87.500 tỷ đồng (khoảng trên 4 tỷ USD). Tại các quyết định phê duyệt công tác chuẩn bị đầu tư của UBND thành phố Hà Nội, các dự án trên có lộ trình tuyến và thông số tuyến kèm theo. Cụ thể, tuyến số 2, gồm 2 dự án: đoạn Trần Hưng Đạo – Thượng Đình, có tổng mức đầu tư 34.700 tỷ đồng; đoạn Nam Thăng Long – Nội Bài, có tổng mức đầu tư 25.000 tỷ đồng; tuyến số 3: đoạn ga Hà nội – Hoàng Mai, có tổng mức đầu tư 27.700 tỷ đồng; tuyến số 4: đoạn Văn Cao – Hòa Lạc...

Từ thực tế các dự án ĐSĐT hiện nay đang triển khai chậm trễ do mặt bằng và khó huy động vốn, đề cập đến nội dung này cho các dự án trên, đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, 4 dự án này sẽ được huy động bằng nguồn vốn ODA từ nước ngoài và vốn đối ứng trong nước.

Cụ thể, với dự án ĐSĐT ga Hà Nội - Hoàng Mai (tuyến số 3), UBND thành phố đã giao cho Ban quản lý (BQL) Đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư, dự án có tiến độ đến năm 2019 phải hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư; hiện dự án đã được Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đồng ý tài trợ 1,5 triệu USD theo hình thức không hoàn lại; ngân sách thành phố cũng đóng góp 46 tỷ đồng. Dự án ĐSĐT đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình và đoạn Nam Thăng Long – Nội Bài (tuyến số 2), BQL Đường sắt đô thị Hà Nội được giao làm chủ đầu tư; hiện Chính phủ Nhật Bản đang bày tỏ muốn tài trợ cho cả dự án gồm 2 đoạn tuyến bằng nguồn vốn ODA…

Cùng với 6 dự án trên, trong các giai đoạn từ nay đến năm 2030, UBND thành phố Hà Nội cũng đang lên kế hoạch triển khai tiếp 4 dự án đã có trong quy hoạch GTVT Hà Nội, bao gồm: tuyến số 1: đoạn Ngọc Hồi – Yên Viên; đoạn Gia Lâm – Như Quỳnh; tuyến số 4: Mê Linh – Vĩnh Tuy; tuyến số 6: Nội Bài – Ngọc Hồi; tuyến số 8: Sơn Đồng - Mai Dịch - Dương Xá.

TT-MRB