Hà Nội hiện đang đầu tư hai dự án đường sắt đô thị (metro), dự án thứ nhất còn gọi là tuyến số 2A (Cát Linh - Hà Đông) dài 13,05 km có tổng mức đầu tư là 18.002 tỉ đồng. Sau 7 năm thi công, dự kiến cuối năm nay, tuyến này sẽ đi vào hoạt động. Tuyến này do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư.
Được khởi công năm 2010 và dự kiến hoàn thành năm 2018, dự án metro thứ hai (còn gọi là tuyến số 3) Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km và tổng mức đầu tư sau “đội vốn ” là 32.910 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay dự án mới hoàn thành 50% tiến độ do tổng thẩu Trung Quốc chậm giải ngân cho các nhà thầu phụ, gây thêm ách tắc cho cửa ngõ phía Tây thủ đô và điều chỉnh thời gian hoàn thành sang năm 2021.
Còn tuyến metro số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên) dài 24 km, dự kiến khởi công năm 2007 đến nay đã đình trệ vô thời hạn.
Trước áp lực giao thông lớn, UBND TP Hà Nội tiếp tục đề xuất lên Chính phủ và các bộ ngành liên quan cho đầu tư tiếp các tuyến metro số 3 và số 2. Như tuyến số 2A sau khi đưa vào khai thác thì tiếp tục đầu tư đoạn từ phố Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm) đến Thượng Đình (Thanh Xuân) trong quy hoạch dài 42 km toàn tuyến từ Nội Bài - Nam Thăng Long - Hoàng Hoa Thám - Bờ Hồ - Hàng Bài - Đại Cồ Việt - Thượng Đình-vành đai 2,5- Hoàng Quốc Việt.
Do đây là tuyến đường sắt được coi là trục “xương sống” trong nội đô nên ưu tiên triển khai từng phân đoạn trong tuyến, như việc đầu tư đoạn Nam Thăng Long đến Trần Hưng Đạo rồi từ Trần Hưng Đạo đến Thượng Đình.
Đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dự kiến có tổng mức đầu tư 19.555 tỉ đồng, dài 11,5 km và vay vốn từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Hiện tuyến này đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh dự án từ quí 1-2017, sơ tuyển 5 gói thầu xây lắp, thiết bị và phối hợp với các quận huyện giải phóng mặt bằng để có thể khởi công vào quí 3-2018 và dự kiến hoàn thành vào năm 2024.
Phân đoạn metro tiếp theo được đề xuất đầu tư trên tuyến metro số 3 là ga Hà Nội - Hoàng Mai, dù đoạn Nhổn - ga Hà Nội sau 8 năm thi công dang dở, gây ách tắc giao thông rất lớn mà vẫn chưa thể hoàn thành.
Đối với đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai, UBND TP Hà Nội đề xuất vay vốn ODA của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) với số vốn vay đề nghị 1,075 tỉ đô la Mỹ (khoảng gần 25.000 tỉ đồng) trong tổng số 1,225 tỉ đô la cho toàn bộ dự án. Phần còn lại là vốn đối ứng phía Việt Nam (150 triệu đô la Mỹ). Dự án này dự kiến bắt đầu từ năm 2020 đến 2025 và đã được ADB tài trợ không hoàn lại 1,5 triệu đô la để nghiên cứu khả thi.
Hai phân đoạn dự án đang đặt lên bàn thẩm định là đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình và ga Hà Nội - Hoàng Mai dự kiến có tổng mức đầu tư 50.000 tỉ đồng, đều do Ban quản lý dự án đường sắt thuộc UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư.
Tuy rất đồng tình với chủ trương đầu tư các dự án nêu trên nhưng Bộ GTVT đặc biệt lưu ý về năng lực quản lý của Hà Nội, về tiến độ các tuyến đang đầu tư, nhất là tuyến Nhổn - ga Hà Nội bị chậm trễ kéo dài, đội vốn đầu tư gấp đôi. Đó là chưa kể đến việc Hà Nội chưa có báo cáo đánh giá các dự án đang đầu tư để rút ra các bài học cần thiết đồng thời nghiên cứu cơ chế huy động vốn sao cho hiệu quả nhất để đảm bảo dự án được thực hiện.